, 08/11/2014, 16:07 GMT+7 | Views: 1014 |
Nói về chế biến trà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng phải kể đến cụ bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, năm nay đã hơn 90 tuổi- người được xem là tổ của nghề trà ướp hương xứ cao nguyên này.
Vào những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã thành lập tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng, trong đó bao gồm cả B’Lao. Người Pháp thấy vùng đất này thích hợp cho ngành công nghiệp trà nên đã đem cây trà đen Bạch Mao về trồng, và những đồn điền trà đầu tiên của B’Lao ra đời. Vùng đất B’Lao ngày càng thay da đổi thịt, người dân từ khắp nơi đổ về lập nghiệp, trong đó có gia đình bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, gốc Huế - người đã làm nên điều kỳ diệu là thổi hương cho xứ trà B’Lao. Ngày ấy ai ghé qua xứ trà B'Lao đều nhớ đến cô sơn nữ xinh đẹp bán những gói trà ướp hương thơm ngát.
Những ngày đầu đầy khó khăn vất vả, phải chạy bán hàng rong theo những chuyến xe, cứ mỗi lần khách chê trà đắng, không hương vị là lòng bà day dứt. Rồi một ý nghĩ lóe lên: “Tại sao không thử ướp hương vào trà để trà thơm hơn?”
Đầu tiên bà dùng hoa tường vi, nhưng sau đó bà phát hiện trà ướp hương tường vi không giữ được lâu, lại chóng hỏng vì bị mọt. Bà chia sẻ với những người hàng xóm từ Bắc di cư vào và biết một thông tin thú vị: Ngoài bắc có hoa sói vẫn dùng để ướp hương, và hoa sói phù hợp với khí hậu lạnh. Vậy là với sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, những cây hoa sói đầu tiên được chuyển vào.
Có giống hoa rồi, nhưng việc trồng và thu hoạch cũng lắm công phu. Xứ B’Lao vốn sương mù quanh năm, mặt trời lên muộn mà hoa sói khi gặp nắng ban mai mới bung nở, đó là thời điểm tốt nhất để hái hoa. Hoa sói nhỏ từng hạt tròn như hạt minh châu, vì vậy còn có tên gọi là Châu (Chu) lan hoa, và trà hoa sói còn gọi là Châu (Chu) lan trà.
Hoa rời cây thì không chịu được nắng, không để được lâu, phải ướp ngay không hương sẽ bay mất. Hương hoa sói đặc trưng tuyệt diệu là vậy xong không đủ làm nền. Để tôn vinh hương hoa cần phải ướp với nhiều loại khác như: cam thảo, tiểu hồi, quế chi, đại hồi. Vậy mới thấy ướp trà hoa sói công phu và tỉ mỉ đến mức nào.
Dưới bàn tay và khối óc tài hoa của bà Sâm, những mẻ trà hương sói đầu tiên được ra đời ở đất B’Lao. Lịch sử trà B’Lao lật qua một trang mới. Tiếng lành đồn xa khắp nơi rằng, ở xứ B’Lao có một loại trà ngon và thơm kỳ lạ.
Hương trà lúc mạnh mẽ, lúc đằm thắm, trà khi trên đầu lưỡi thì có vị chát nhẹ, xuống cổ rồi thì ngọt dịu. Những chuyến xe than nối liền Đà Lạt - Sài Gòn khi dừng chân ở B’Lao khách đều hỏi thăm trà “Giấy báo” của bà. Vì ngày đó, không có bao bì nhãn hiệu như bây giờ, trà chỉ lấy giấy báo mà gói lại. Bà Sâm lấy thương hiệu trà hương của mình là Đỗ Hữu.
Qua nhiều năm đến nay bà vẫn giữ thói quen năm xưa làm trà bằng tay từ các công đoạn hái, phơi, sao, ướp, đóng gói. Vậy nên dù số lượng không nhiều nhưng trà của bà luôn có hương vị đặc trưng rất riêng mà khách nào cũng muốn mua bằng được. Công thức ướp hoa sói với trà hiện nay chỉ một mình bà biết. Hiện nay dù ở tuổi 90, sức khoẻ không còn tốt, song bà vẫn thường ngồi cùng con cháu để nhắc nhở cách làm trà luôn phải giữ được truyền thống gia đình.
Những lúc rãnh rỗi bà thường trò chuyện cùng bạn bè, và trong đó những câu chuyện xưa về trà luôn là cầu nối không thể thiếu.
Đến giờ, bà cụ vẫn không thể giấu được niềm tự hào là người đã khai sinh ra nghề trà ướp hương xứ B’Lao xưa. Hiện nay nghề trà ướp hương của B’Lao lớn mạnh cùng với nhu cầu của người tiêu dùng, những loại trà ướp hương mới lần lượt ra đời như: Sen, lài, ngâu và các doanh nghiệp kinh doanh trà cũng dần thành lập, vùng đất B’Lao ngày càng sung túc. Những gói trà nhỏ theo người yêu trà được chuyển đi khắp mọi miền và thương hiệu trà B’Lao cùng theo đó mà lan tỏa khắp nơi.
Theo Internet
Web design: TRUST.vn