Thứ sáu, 03/04/2015, 11:45 GMT+7 | Lượt xem: 1200 |
Ngày 28/3 của 40 năm về trước, Bảo Lộc được giải phóng. Trong ký ức của cựu chiến binh Trần Tấn Công, thời khắc giải phóng Bảo Lộc dù đã lùi xa nhưng những sự kiện, con người trong thời khắc ấy vẫn sống động. Mái tóc ông giờ đã bạc trắng, nhưng ký ức 19 giờ đồng hồ giải phóng Bảo Lộc, chưa bao giờ phai nhạt.
Cờ Mặt trận Giải phóng tung bay trên cột cờ Tòa Hành chính (ngụy).
Khi được Khu ủy và Quân Khu ủy triệu tập về sông Đồng Nai, vào ngày 10/3/1975, để nhận nhiệm vụ phối hợp giải phóng Bảo Lộc, ông Trần Tấn Công (thường gọi là Sáu Công) lúc ấy đã 45 tuổi, giữ chức vụ Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng Tỉnh Đội Lâm Đồng cũ. Cùng với ông về gặp Quân Khu nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, vào thời điểm đó, còn có ông Trần Như Khuôn (thường gọi là Năm Lực), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Nguyễn Xuân Du (thường gọi là Tám Cảnh), Phó Bí thư, phụ trách Chính trị viên Tỉnh Đội.
Nhiệm vụ của các ông là phối hợp với Sư đoàn 7 ở nhiều mũi tấn công để giải phóng Bảo Lộc. Trong đó, ông Sáu Công phụ trách việc điều lực lượng vũ trang xuống sông Đồng Nai để phối hợp với Sư đoàn 7 tiến từ Madaguôi (Đạ Huoai) lên Bảo Lộc (tỉnh lỵ Lâm Đồng cũ); đồng thời, huy động dân công mở 2 tuyến đường, gồm tuyến đường kéo pháo lên dốc Con Ó từ Đạ Tẻh lên Lộc Bắc và tuyến đường chuyển vũ khí và lương thực bằng xe thồ từ suối Đạ Lây (buôn Đạ Mít - Đạ Tẻh) lên ngã ba Xóm Mới (suối ĐamBri - Lộc Tân). Để mở 2 tuyến đường này, hơn 4.000 dân công và hàng trăm xe cơ giới được huy động. “Với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong vòng 8 ngày, lực lượng này đã “thông” gần 30km đường (gồm 7km đường kéo pháo và 15km đường xe thồ) lên tới điểm tập kết. Chưa bao giờ tinh thần trong dân và lực lượng vũ trang lại sôi nổi như lúc này. Mọi người đều cố gắng hết mình, tranh thủ thời gian đảm bảo yêu cầu tiến độ của chiến dịch” - ông Sáu Công nhớ lại.
Trên chiến trường, Tỉnh Đội Lâm Đồng điều khoảng 10 cán bộ thông thạo địa hình thị xã Bảo Lộc (thời ngụy quyền đã gọi là thị xã) và Tiểu khu Lâm Đồng để thăm báo tình hình và lực lượng của địch; đồng thời, dẫn đường cho Sư đoàn 7 tiến vào các vị trí trọng yếu (sân bay, tiểu khu, khu hành chính...) khi có lệnh. Địch lúc này ở chiến trường Lâm Đồng cũ có khoảng 12.000 tên; trong đó, 6.400 tên đóng tại thị xã Bảo Lộc, gồm 3 Tiểu đoàn Bảo an, 2/3 Phân đội Pháo binh, lực lượng Công binh, Cảnh sát và máy bay, thiết giáp. Theo ông Sáu Công: “Vào thời điểm đó, sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, quân địch hoàn toàn ở thế bị động. Tuy số lượng còn khá đông, nhưng chúng không còn khả năng tái chiếm những vùng đất đã bị quân giải phóng kiểm soát. Ở Long Khánh, bộ đội chủ lực miền đã đánh chiếm Chi Khu địch ở Định Quán. Quân địch ở Lâm Đồng bị cô lập vì chia cắt. Thời cơ thuận lợi để giải phóng Bảo Lộc đã chín muồi”.
Ngày 26/3/1975, công tác chuẩn bị đã xong, điện báo về Quân Khu là đã đảm bảo mọi vị trí cho việc mở chiến dịch đánh vào Tiểu khu Lâm Đồng, giải phóng thị xã Bảo Lộc. 15 giờ chiều ngày 27/3/1975, Bộ Tư lệnh phát lệnh tấn công vào các mục tiêu. Đại đội 11 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165) dẫn đầu đoàn tấn công đánh chiếm Đồn Madaguôi. Lúc này, ông Sáu Công cùng Đại đội 759 theo đường núi Sa Pung xuống sông Đồng Nai dẫn đường cho Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) theo đường 20 tiến công hành tiến, tác chiến hiệp đồng binh chủng tấn công từ Madaguôi lên Bảo Lộc.
Suốt đêm 27 rạng ngày 28/3/1975, hàng chục đồn bốt dọc đường 20 bị tiêu diệt. Lúc 2 giờ sáng ngày 28/3, quân ta đã đánh đến cách cầu Đại Lào 300m. Ông Sáu Công kể: “Tại vị trí này, địch cho pháo binh và hỏa lực bắn chặn, lực lượng Sư đoàn 7 hy sinh gần 20 người, ông Nguyễn Miên, Thị đội trưởng T29 cũng đã hy sinh tại đây. Tuy nhiên, ta vẫn quyết tâm phát triển tấn công địch, mở “mũi” tiến công về thị xã Bảo Lộc. Đến 5 giờ 30 phút sáng 28/3, pháo binh từ B’Trú bắt đầu bắn phá vào Tiểu khu và Sân bay Kon Hin Đa. Kèm theo đó, bộ binh đánh lên, chiếm các mục tiêu vòng ngoài Khu cơ giới và chiêu hồi lực lượng Cảnh sát dã chiến và lực lượng bảo vệ sân bay (ngụy)”. Đến 8 giờ 30 phút sáng 28/3/1975, toàn bộ mục tiêu của địch ở thị xã Bảo Lộc đã bị quân ta chiếm giữ. Quân địch tháo chạy về Di Linh. Tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng bên trong phát động nhân dân nổi dậy, nhanh chóng chiếm giữ, tổ chức bảo vệ công sở, nhà máy, các vị trí chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng vừa chiếm được.
Đúng 9 giờ 30 phút ngày 28/3/1975, cờ Mặt trận Giải phóng được kéo lên và tung bay trên cột cờ Tòa Hành chính ngụy, Tiểu khu và nhiều nơi khác dọc đường 20. Bảo Lộc được hoàn toàn giải phóng. “Cảm giác của tôi lúc đó là tột độ vui mừng, hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ quân ta đánh thắng nhanh đến thế. Phần đông lực lượng của địch do yếu thế đã sớm tan rã. Việc quân ta đánh với khí thế nhanh, mạnh, đã khống chế hoàn toàn tình hình. Chiến thắng đó đã tạo thời cơ giải phóng huyện Di Linh, giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũ, mở đường tiến công giải phóng Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức” - ông Trần Tấn Công chia sẻ.
Theo Internet
Thiết kế web: TRUST.vn