Khám phá Chiến khu Rừng Sác

Thứ bảy, 03/09/2022, 23:53 GMT+7

Khám phá Chiến khu Rừng Sác

Những năm 1960 đến 1975 của thế kỷ XX, Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày đưa tin những trận đánh thắng Mỹ của Nhân dân và quân giải phóng miền Nam làm nức lòng Nhân dân miền Bắc. Một trong hàng trăm địa danh anh hùng đó là Rừng Sác. Tôi lúc ấy mới 17 tuổi, luôn ước mơ sau này đất nước thống nhất sẽ đi về Rừng Sác một chuyến. Vậy mà, mãi đến hơn nửa thế kỷ sau, ngày 19/7/2022 tôi mới có dịp đến với Chiến khu Rừng Sác - căn cứ nổi chống Mỹ oai hùng.
 
Rừng Sác. Ảnh: internet
Rừng Sác. Ảnh: internet
 
Chín người chúng tôi cũng có máu mê văn chương, thích khám phá những miền xa lạ khi có điều kiện. Và, bây giờ chúng tôi đã vào đến Căn cứ Rừng Sác. Căn cứ đặt ở Đồi Khỉ, nơi đặt cơ quan chỉ huy của Trung đoàn Đặc công số 10 Rừng Sác, cách sông Vàm Sát 40 km.
 
Căn cứ Rừng Sác thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, hướng Nam là mũi Đuôi Sam đâm thẳng ra biển Cần Giờ. Hướng Đông giáp Núi Lớn và Núi Nhỏ thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, hướng tây là Tràm Chim Vàm Sát, xa xa vút tầm mắt là đất Long An, Tiền Giang, tất cả hợp với Rừng Sác tạo thành thế trận liên hoàn: công, thủ đều hiệu quả cao.
 
Chúng tôi đến ngọn tháp có tên là Tang Bồng. Tháp này do Công ty Dịch vụ du lịch tỉnh Phú Thọ thiết kế và xây dựng để tưởng niệm 820 cán bộ chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 và đồng bào Rừng Sác hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm giai đoạn 1955 - 1975.
 
Tháp chỉ cao 26 m, có 138 bậc lên xuống, đứng ở bậc trên cùng, phóng tầm mắt bao quát ta sẽ nhìn thấy rừng ngập mặn xung quanh căn cứ, thấy nhấp nhô một dải rừng đước xanh đậm. Nhìn thấy ngã ba sông Vàm Sát có lò rèn ngày đêm đỏ lửa và nhộn nhịp tàu thuyền vào ra đánh bắt hải sản. Dòng sông Xoài Rạp uốn mình, là nơi phân chia ranh giới với tỉnh Long An, Tiền Giang, rồi đổ ra biển Đông. Lòng sông Vàm Sát, sông Xoài Rạp đã nhấn chìm hàng trăm tàu chiến của giặc ngoại xâm bởi tinh thần dám đánh, dám hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Rừng Sác.
 
Chúng tôi đến kính cẩn nghiêng mình, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Rừng Sác đặt tại thị trấn Cần Giờ. Nghĩa trang nằm cạnh con đường nhựa rộng rãi, thẳng tắp, chạy song song với bờ biển.
 
Chúng tôi được một nữ hướng dẫn viên trẻ tuổi, xinh đẹp ở Khu Du lịch Rừng Sác kể về chiến công của quân và dân ta giai đoạn 1955 - 1975. Trong đó, nổi bật và có ý nghĩa quyết định góp phần cho giặc thua to là trận Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác bí mật đến đốt cháy kho xăng Nhà Bè vào ngày 3/12/1973. Và đã có - 200 triệu lít xăng cùng một tàu chở dầu của đối phương đã làm mồi cho lửa. Trước đó, hơn 20 tàu chiến bị dìm xuống đáy sông ngày 15/4/1966 rồi kho bom Tây Hạ bị nổ tan tành ngày 13/12/1972, hơn 100.000 tấn bom không còn cơ hội gây tội ác cho Nhân dân miền Nam.
 
Khu du lịch Rừng Sác. Ảnh: internet
Khu du lịch Rừng Sác. Ảnh: internet
 
Nữ hướng dẫn viên du lịch giới thiệu thêm là Nhà nước đã đầu tư xây dựng Rừng Sác thành khu du lịch sinh thái lớn nhất, nhì nước ta, hiện tại vẫn tiếp tục đầu tư các hạng mục quan trọng như tôn tạo nhà bia tưởng niệm, mở rộng diện tích tham quan đón khách, nhà nghỉ cho khách, cùng với các dịch vụ khác như cửa hàng lưu niệm, nhà bảo tàng với hàng ngàn hiện vật đã có và được tiếp tục bổ sung. Nhân chuyến đi này tôi nhớ lại mười tám năm trước, tôi có người anh họ làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh quen Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Khi đó tôi được người anh họ đưa đến gặp Đại tá Ước. Lúc ấy tuổi 80, ông rất minh mẫn, kể chuyện mạch lạc từng chiến công đánh giặc. Chuyện nào cũng gây ấn tượng cho người nghe, đặc biệt, ông kể thêm cái cực khổ ở Rừng Sác là muỗi đốt, thiếu nước uống vào mùa khô vì đây là rừng ngập mặn. Khát nước quá phải lấy xoong nồi đun lên, hơi nước đọng lại trên vung được chảy qua một ống dẫn bằng một cây sậy. Đun 3 giờ liền mới được năm lít nước ngọt, mọi người chia nhau uống mà vẫn không hết khát. Đói không sợ vì còn có thể bẫy chim chài cá, nhưng khát nước là điều cực khổ nhất đối với con người.
 
Bây giờ, cuộc sống đầy đủ, nhưng nếu thử cho chúng ta nhịn uống một ngày trong cái nắng mùa khô gay gắt, chắc chắn không ai chịu nổi. Nhưng chiến tranh phải chấp nhận, mong cho mùa mưa đến để tránh được cái khát. Nhưng mưa đến thì lại gặp nạn muỗi rừng. Đành rằng cán bộ, chiến sĩ ai cũng được trang bị màn chống muỗi, nhưng chẳng lẽ nằm suốt ngày đêm trong màn, không đi đánh giặc sao.
 
Bài viết này sẽ thiếu sót nếu không kể về một tiềm năng khác ở Rừng Sác, đó là nơi đây có 70.000 ha rừng. Rừng hầu như còn nguyên trạng, không ai khai phá, rồi lại có cát vàng, cát xanh, đất sét mà không nơi nào trên đất nước ta có được. Rừng làm dịu đáng kể trong không khí nóng bức mùa khô. Rừng giữ cho bờ sông Xoài Rạp, sông Vàm Sát không bị sạt lở.
Chúng tôi khởi hành từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng taxi, đến bến phà Bình Khánh, bên kia bờ là địa phận huyện Cần Giờ, con đường quốc lộ bắt đầu từ bờ sông thuộc huyện Cần Giờ đến Rừng Sác rộng 12 m, dài 42 km. Hai bên quốc lộ là những vuông tôm, ruộng muối, và rồi chỉ hơn 10 km, ngẩng đầu lên là thấy rừng, rừng đước hai bên đường xanh ngút mắt, rừng kéo dài ra đến bờ biển Cần Giờ. Lúc đến Khu Du lịch Rừng Sác, nữ hướng dẫn viên giới thiệu cho chúng tôi biết đây là rừng cây đẹp và rộng nhất Việt Nam, mừng vì còn nguyên vẹn, diện tích 70.000 ha...
 
Đêm, chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ của Khu Du lịch Rừng Sác, nằm nghe sóng biển rì rào như lời ru của đất và nước, rồi buổi sáng hôm sau, chúng tôi xuống thuyền ngắm sông Xoài Rạp. Bất chợt tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của cựu binh Lê Bá Dương:
 
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
 
Nhớ, để mà liên tưởng đến dưới lòng sông Xoài Rạp, có bao người con ưu tú của mẹ Việt Nam ra đi ở tuổi hai mươi, đang nằm ở đáy sông này và đáy những con sông khắp đất nước Việt mến yêu. Họ đã làm rạng danh dân tộc, họ đã làm cho đất Đại Việt ta mãi mãi Vạn Xuân.(*) 
 
Về với Rừng Sác, là về với một địa danh lịch sử mà từ nay cho đến muôn sau, những người dân nước Việt yêu Tổ quốc đều thấy vui, đều thấy tự hào. Địa danh Rừng Sác, mãi mãi đi vào lịch sử như cái tên Chi Lăng Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Ấp Bắc, Bến Tre…
 
Rừng Sác - một trong những đoạn nhạc tuyệt hay trong bản đại hợp xướng, anh hùng ca của dân tộc Việt Nam. Đến Rừng Sác để thấy mình càng có trách nhiệm với thế hệ ông, cha, anh, chị chúng ta trong việc giữ gìn trọn vẹn đất liền, biển Đông…
 
* Vạn Xuân, tên nước do vua Lý Nam Đế (Lý Bôn) đặt vào thế kỷ thứ VI.

Theo Internet


Người viết : Dung


Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô