Tour Du lịch làng nghề truyền thống ở Đà Lạt

Thứ năm, 29/09/2016, 15:00 GMT+7

Tour Du lịch làng nghề truyền thống ở Đà Lạt

Làng nghề truyền thống ở Đà Lạt

Ngày nay, đến thăm Đà Lạt, ngoài các điểm tham quan phong cảnh hay kiến trúc nổi tiếng của Đà Lạt, du khách còn có dịp ghé thăm những làng nghề truyền thống. Các làng nghề không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa đáng quý mà còn tạo nên những nét đặc trưng cho thành phố trên cao nguyên Lâm Viên huyền thoại.

 

 

 

 

Nghề làm nhẫn bạc của người Churu

Làng Ma Đanh, xã Tu Tra huyện Lạc Dương là ngôi làng còn lưu giữ nghề làm kim hoàn bằng nguyên liệu bạc. Đến đây, du khách sẽ nghe kể những câu chuyện về những chiếc nhẫn srí, sra là một trong những ấn tượng của nghề đúc bạc Churu. Để có được một cặp nhẫn cưới, người nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều công đoạn tỉ mỉ mà không phải ai cũng có thể làm được. Với sự hướng dẫn của nghệ nhân Ya Tuất, du khách sẽ được tìm hiểu những công đoạn để hoàn tác một cặp nhẫn từ việc tạo khuôn đến việc tạo dáng, đúc nhẫn.

Người nghệ nhân nấu chảy sáp ong loại tốt – nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc, sau đó nhúng dùi gỗ vào, để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn như hình bánh cuốn. Tùy theo kích thước của ngón tay, nghệ nhân sẽ cắt thành những chiếc khoen tròn lớn nhỏ để tạo khuôn, sau đó tạo hoa văn trên nhẫn... Mỗi khuôn bao giờ cũng đúc một lần hai chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn mái và một chiếc nhẫn trống. Sau khi tạo dáng xong, người nghệ nhân mang nhẫn sáp nhúng đều vào dung dịch phân trâu hòa lẫn với đất, và đem đưa đi phơi nắng. Sau đó, khuôn sáp sẽ được đốt trên than lửa, sáp bên trong sẽ nóng chảy, phần dung dịch phân trâu sẽ tạo thành một khuôn âm bản, mang bạc đã được nấu chảy đổ vào. Lúc khuôn nguội, một đôi nhẫn bạc màu đen xin xỉn sẽ hiện ra. Thế nhưng khi mang cặp nhẫn ấy nhúng vào nồi bồ kết rừng đang đun sôi để nấu thêm vài phút thì tự nhiên cặp nhẫn đã lên màu sáng bóng lấp lánh. Được tận mắt theo dõi quy trình làm nhẫn bạc của người Churu, ắt hẳn sẽ để lại trong lòng du khách những trải nghiệm khó quên khi đến tham quan tại đây. Sau cùng, du khách có thể mua những cặp những bạc srí, sră mang ý nghĩa linh thiêng làm trang sức hay làm quà cho bạn bè và người thân.

Du Lịch Đà Lạt

 

 

 

Nghề làm rượu cần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương

Nằm dưới chân núi Lang Biang huyền thoại có một buôn nhỏ của người Lạch là nơi còn lưu giữ nghề làm rượu cần. Du khách khi đến đây sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được nghe giới thiệu các công đoạn để làm và được tận tay làm chóe rượu cần ngọt dịu, thơm ngon thì còn gì thú vị cho bằng. Các công đoạn làm một chóe rượu cần cũng lắm công phu, nguyên liệu chính là bắp (ngô), các loại gạo, ngon nhất là gạo lức; tất cả được nấu chín, để nguội rồi trộn với men và trấu cho vào chóe (hũ đựng), bịt nắp thật chặt, đem cất trong nhà... Rượu cần LangBian có bí quyết riêng để tạo ra một hương vị ngọt thơm đặc trưng, đó là lúa trồng trên rẫy và men rừng (lá, vỏ, rễ của cây dòng). Loại rượu cần được làm theo công thức này rất thơm, thanh khiết, càng để lâu ngày càng ngon và rất quý. Rượu cần Lang Biang với kỹ thuật thuần thục và bí kíp lưu truyền làm cho du khách vẫn luôn nhớ khi rời xa nơi đây.

 

Nghề làm gốm xã Pró

K-răng-gọ (có nghĩa là: làng nồi), đây là một làng làm gốm nổi tiếng có từ lâu đời của người dân tộc Churu thuộc xã Pró, huyện Đơn Dương cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km. Du khách khi đến tham quan tại đây sẽ được giới thiệu về quy trình sản xuất của nghề gốm như: lấy đất, phơi đất, giã đất, sàng đất, nhào đất, làm gốm mộc, phơi khô và đem nung. Nguyên liệu để làm gốm là một loại đất sét được lấy từ hầm đất Trồm Ụ ở núi KLơl (cách làng chừng 1,5 km) bởi những người “có nghề” mới biết cách lấy được loại đất tốt. Đất lấy về phải phơi từ 2 đến 3 nắng cho thật khô rồi cho vào cối giã tơi thành bột. Sau đó đem trộn với nước và dùng tay nhồi trộn đều cho thật nhuyễn, cho đến khi ánh lên màu đen bạc như chì rồi nặn ra từng sản phẩm như nồi, bình, chén, tô, lu… đủ các kích cỡ. . Người Churu không dùng bàn xoay mà phải đi vòng quanh sản phẩm để nặn. Khi đã nặn ra hình thù sản phẩm, lấy cọng tre quấn tròn lại và tùy độ dày mỏng của sản phẩm mà nạo ở phía trong cho phù hợp và dùng miếng gỗ đập nhẹ ở phía ngoài cho đều, xong mang ra phơi khô rồi nung lửa. Để sản phẩm có độ bóng láng, người làng Krăng-gọ dùng loại trái có tên pơlai canh (trám rừng) của một cây leo lấy từ trong rừng để đánh cho bóng. Kết thúc hành trình trải nghiệm, du khách có thể mua cho mình bất kỳ các sản phẩm gốm nào mà mình thấy ưng ý nhất để làm kỷ niệm sau chuyến hành trình tham quan các làng nghề truyền thống


Theo Internet


Người viết : admin


Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô