Làng chài khu Bảo Đại

Thứ năm, 29/10/2015, 13:33 GMT+7

Làng chài khu Bảo Đại

Đà Lạt lâu nay vốn nổi tiếng với những biệt thự cổ, những khu rừng thông lãng mạn, đồi trà xanh mướt, thung lũng Tình Yêu ngập tràn sắc hoa hay thác Datanla hùng vĩ. Nhưng ít ai biết đến, ngoài vẻ đẹp của núi đồi, Đà Lạt còn sở hữu một “làng chài” đã tồn tại trong nhiều năm qua.

 

 

1_5

Một góc làng chài khu Bảo Đại. Ảnh: NGUYỄN NGHĨA

 

 

Nghe thì có vẻ khó tin nhưng phải đặt chân đến đây mới thấy được những gì đang diễn ra trước mắt. “Làng chài” dân dã, trầm lắng giữa dòng nước mênh mông. Những chiếc vó “nhắc lên hụp xuống” giữa dòng nước trong xanh hiền dịu đã cưu mang, đùm bọc những con người từ Bắc vào Nam lập nghiệp từ lâu nay.

 

Chỉ cần đi qua cầu Suối Tía, men theo con đường nhỏ đất đá lởm chởm, chạy tiếp một chút sẽ hiện trước mắt là những ngôi nhà nhỏ nhấp nhô trên mặt nước cũng những ghe, vó dập dềnh trên mặt nước yên ả. Làng chài nằm lọt thỏm dưới mép hồ Tuyền Lâm gần thác nước Bảo Đại.

 

Dáng người nhỏ nhắn với chiếc áo cựu chiến binh đã phai màu, chúng tôi ngỏ ý xin được lên ghe trò chuyện, người đàn ông gật đầu đồng ý ngay: “Ồ được cháu cứ lên đây!” Ngồi ngay trước mũi ghe, chúng tôi bắt đầu nghe ông kể câu chuyện về cuộc đời mình. Quê ông ngoài Hưng Yên, làm ruộng lúa nước, rồi vợ chồng ông mới vào trong Nam này lập nghiệp, điểm dừng chân của vợ chồng là ngay khu này lúc đó chưa có gì, rồi từ từ mới học hỏi làm vó của những người đã từng sinh sống tại đây.

 

“Lúc đầu, chỉ khoảng 2-3 người rồi những người ngoài Bắc Giang, Thanh Hóa... lại tiếp tục vào đây để mưu sinh. Gia đình khi ấy chỉ có 1 vó để kéo cá, tôm, tép, sau thời gian thì làm thêm 4 cái nữa để kiếm thêm thu nhập. Khi các hộ sinh sống ở đây hơn chục năm thì nhà nước có chính sách giải tỏa đền bù nên gia đình tôi mua đất cất nhà ngoài đường An Bình, nhưng tôi thì vẫn đi bắt con cá, con tép về bán cho mối ngoài chợ Đà Lạt. Bắt cá cũng dễ chứ không khó, tầm 6 giờ chiều bắt đầu châm đèn trên những vó để nhử cá, tôm tép... vào để tới 4 giờ sáng bắt đầu đi giở vó, một ngày cũng kiếm 500.000 - 600.000 đồng/ngày” - chú Đào Vĩnh Hắc (SN 1946, ngụ An Bình, phường 3, Đà Lạt) kể lại.

 

Ngồi cạnh đó, anh Nguyễn Văn Thạo (SN 1957, xã Tà Nung) cho hay, năm 2009, anh cũng từ tỉnh Hưng Yên vào Nam lập nghiệp, sau bao nhiêu năm chịu khó dành dụm, hiện nay vợ chồng anh đã có 3ha cà phê, đủ sống nuôi con cái ăn học, nhưng vì thích thú nên cũng sắm chiếc ghe đi với anh em cho vui, vừa giải trí vừa có con cá con tôm đem về chợ vợ con. “Mình không có thời gian ra thăm vó thường xuyên như những anh em ở đây nên chỉ đi quăng vài mẻ lưới còn về đi vườn chăm sóc cà phê. Tính ra thu nhập bình quân cũng được 200.000 - 300.000 đồng/ngày, nhiều lúc trúng thì cao hơn, cứ tới mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3, cá lúc đó nhiều lắm, còn mùa này chỉ có tôm tép là chủ yếu”, anh Thạo cười, nói.

 

“Nếu tính đến nay thì làng chài này cũng được 15 năm rồi. Ngoài việc bắt cá, khu làng chài hiện trở thành điểm tham quan, chụp hình của du khách và dân nhiếp ảnh, rất nhiều tấm hình về làng chài đã được trưng bày ở nhiều nơi nên từ đó, làng chài cũng được nhiều người biết đến” - chú Hắc cho biết thêm.

 


Theo Internet


Người viết : admin


Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô