Bộ sưu tập đá lộc trời bạc tỷ của nghệ nhân Tây Nguyên Thứ hai, 17/11/2014, 09:57 GMT+7 Bộ sưu tập đá lộc trời bạc tỷ của nghệ nhân Tây Nguyên Nghệ nhân Đoàn Giàu ở Lâm Đồng nổi tiếng bởi bộ sưu tập đá, trong đó có những viên đá được xem là độc nhất vô nhị, với giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Những viên đá cực quý Ngôi nhà của nghệ nhân Đoàn Giàu nằm ở nơi giáp ranh giữa phố và quê ở Di Linh (Lâm Đồng) nên không gian xung quanh vừa hiện hữu sự nhộn nhịp của đô thị nhưng đồng thời ẩn chứa sự heo hút của nông thôn miền núi. Tôi dừng xe trên con đường nhựa ngó vào ngôi nhà: Phía trong khuôn viên, ngoài một khoảnh sân rộng, ngôi nhà xây khá khang trang vắng tanh. Có hẹn trước nên Đoàn Giàu chuẩn bị sẵn hai ly cà phê đen đặc theo gu dân nghiện xứ núi chuyên canh Di Linh, người nghệ nhân tiếp khách quen không vồn vã nhưng cũng không phải là quá lạnh nhạt. “Có lúc mình nghĩ thôi thì đành dứt với cái nghề đá cảnh này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chuyện ‘đá’ đã ngấm vào máu, dứt chả dễ. Bởi vậy, hễ mấy anh em dưới TPHCM có cuộc thi gì đó ới là mình cũng cố gắng tham gia. Tham gia để vừa có cớ vượt qua cú sốc (bị mất cắp viên đá hình Chủ tịch Hồ Chí Minh), vừa xốc lại tinh thần để anh em Lâm Đồng không thấy mình yếu kém”, nghệ nhân nói. “Thiền” – tác phẩm vừa được sưu tầm trong chuyến đi tìm đá ở Quảng Ngãi. Tôi nhắc đến chuyến đi Quảng Ngãi, nghệ nhân Đoàn Giàu hào hứng hơn: “Chuyến đi khá dài ngày và cũng khá vất vả. Nhưng bù lại là mình có duyên nên tìm được một vài tác phẩm ưng ý. Hơn một tuần lặn lội, lúc về Quảng Ngãi báo cáo kết quả, mình trưng vài tác phẩm vừa tìm thấy, anh em đá cảnh ngoài đó ngưỡng mộ vô cùng!”. Nỗi đam mê tột cùng của nghệ nhân Đoàn Giàu Anh dẫn tôi vào phòng trong của ngôi nhà. Căn phòng không quá rộng nhưng cũng đủ để chứa vài trăm tác phẩm đá cảnh. “Chuyến đi gần đây nhất về Quảng Ngãi, mình có được hai tác phẩm này đây…”. Anh nâng một viên đá màu xám nhạt ngả xanh lên tay và hỏi tôi: “Anh có nhìn thấy những vệt màu trắng này không? Đây nữa, phía trên này còn có mấy nét trắng nhạt hơn… Đây là ‘Thiền’ – cũng là tên tác phẩm. Mảng màu trắng đậm ở phía dưới là hình ảnh một người đang ngồi thế kiết già đặt tay lên đầu gối. Phía trên, mảng trắng nhạt là ảnh của con người đó, cũng có thể hiểu đó là cái hồn của con người này đang thăng”. Nghệ nhân lấy một tác phẩm khác và cho biết nó có tên là “Tung tăng”. “Đó là con thiên nga đang tung tăng trên hồ nước. Chuyến đi Quảng Ngãi vừa rồi có mấy anh em tham gia. Ai cũng có được một vài tác phẩm ưng ý. Riêng với mình, ‘Thiền’ và ‘Tung tăng’ là hai tác phẩm bù cho cả chuyến đi!”. “Tung tăng” với hình con thiên nga bơi lội trên dòng nước. Anh Đoàn Giàu không ngần ngại khi dắt tôi lên gian trưng bày phía trước. Thêm một lần nữa, tôi choáng ngợp trước những đá và đá. Anh bảo: “Ở đây, có cái cũ lẫn cái mới, cũng có những tác phẩm mình chưa kịp đặt tên hoặc đã đặt tên nhưng chưa hài lòng…”. Tôi chợt hỏi: “Nghe bảo hồi đầu chơi đá cảnh, anh từng bán cả vườn cà phê…?”. Nghệ nhân Đoàn Giàu cười kiêu bạc: “Cũng đáng lắm chứ! Hồi thất chí, tôi gọi bán cả gia sản đá, có người đồng ý mua tiền tỷ, nhưng rồi tôi lại thôi…”. Ấy là anh nói khiên tốn, chứ riêng viên đá cảnh có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người ra giá cho Đoàn Giàu trên dưới 1,5 tỷ đồng.
Người viết : admin
|
Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô |