Đà Lạt 40 năm sau ngày giải phóng

Friday, 03/04/2015, 11:51 GMT+7

Đà Lạt 40 năm sau ngày giải phóng

Thành phố đã có những bước tiến rõ nét trên mọi lĩnh vực, kinh tế “tăng trưởng xanh”, đô thị được công nhận “xanh, sạch, đẹp” dẫn đầu trong cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.

 

 

1_1

Đà Lạt một góc nhìn

Một ngày cuối tháng Ba, thời điểm người dân thành phố hoa Đà Lạt chuẩn bị đón chào lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương (3/4/1945-3/4/2015), về lại Xuân Trường – xã Anh hùng của thành phố Đà Lạt Anh hùng, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ trước sự đổi thay từng ngày ở vùng đất này. Từ một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào cây cà phê là chính, nay Xuân Trường mang diện mạo mới, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; nhà cửa khang trang. Những con đường liên thôn, liên xóm trước đây nắng bụi, mưa bùn, giờ thay vào đó là những con đường được trải nhựa, bê tông hóa dẫn đến những rẫy cà phê, chè xanh ngút ngát tầm mắt; đời sống người dân địa phương ngày một ấm no, sung túc.

Theo Chủ tịch xã Xuân Trường Trần Như Dũng, được sự quan tâm, hỗ trợ; lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự chung tay góp sức thông qua việc phát động các phong trào của các tổ chức chính trị, xã hội để toàn dân tham gia… Kết quả năm 2014, Xuân Trường là một trong 4 xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí quốc gia. Từ kết quả chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH, đời sống vật chất của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã vượt mốc 32 triệu đồng/người/năm. Hiện toàn xã chỉ còn lại 11 hộ nghèo do có hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật, mất sức lao động; địa phương có 1.630 hộ thì nay có 1.500 hộ đã xây được nhà kiên cố, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Theo thống kê, Đà Lạt hiện có tới 40 HTX, gồm 18 HTX nông nghiệp, 8 HTX vận tải, 3 HTX dịch vụ thương mại, 8 HTX công nghiệp – TTCN và 3 quỹ tín dụng. Toàn thành phố có 8.639 hộ đang hoạt động kinh doanh, trong đó lĩnh vực thương mại, nhà nghỉ, nhà trọ phát triển mạnh.

Không kể Xuân Trường và 12 phường của thành phố, ba xã còn lại của Đà Lạt là Trạm Hành, Xuân Thọ và xã có đông đồng bào bản địa gốc Tây Nguyên sinh sống là Tà Nung, nay cũng phát triển rõ nét trên mọi lĩnh vực KT-XH. Cơ sở hạ tầng được quan tâm chú trọng đầu tư, nâng cấp khang trang, sạch, đẹp; số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội đều được đảm bảo; quốc phòng, an ninh luôn ổn định.

Nói về sự đổi thay của Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Đức Quận, cho biết: “Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, nhân dân, thành phố không ngừng phát triển về mọi mặt, nhất là “tăng trưởng xanh” về kinh tế. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm nhanh; hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư nâng cấp khang trang; cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc”.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Lạt, chỉ tính riêng những năm gần đây, mặc dù ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình hình khó khăn chung của cả nước, nhưng Đà Lạt vẫn phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 16,8%/năm. Thu nhập bình quân của người dân không ngừng tăng cao, nếu như năm 2013 đạt trên 40 triệu đồng (tăng 11,8 triệu đồng so năm 2011), thì năm 2014 đã đạt 52 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch theo hướng tích cực, du lịch – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Năm 2013, Đà Lạt đón 3,2 triệu lượt khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tham quan, sang năm 2014 đón hơn 3,6 lượt khách. Giải quyết việc làm mới đạt 3.800 vào năm 2013, năm 2014 là trên 4.200 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố hiện chỉ còn 0,45% (năm 2011 là 1,3%); 100% xã, phường đều có trạm y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 8,75%. Toàn thành phố có 32/73 trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và hoàn thành phổ cập THCS. An sinh xã hội luôn được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Với thế mạnh là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt đã và đang tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao (Đà Lạt đang dẫn đầu cả nước về diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với 4.500ha), nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên cùng diện tích cây trồng, nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp địa phương đã đạt bình quân 220 triệu đồng/ha/năm. Thành phố có 236 dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 32.338 tỷ đồng, trong đó đã triển khai và đưa vào hoạt động 37 dự án, với vốn đầu tư 2.268 tỷ đồng; 64 dự án đang đầu tư với tổng mức đầu tư 11.499 tỷ đồng.

Về công nghiệp, xây dựng, thành phố đã xây dựng, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tính đến nay, Đà Lạt có khoảng 873 đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chủ yếu là loại hình doanh nghiệp sản xuất, chế biến với quy mô vừa và nhỏ). Một số sản phẩm từ công nghiệp chế biến đã dần tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như chè cao cấp, trà Atisô, rượu vang, tranh thêu tay nghệ thuật…

Song song với đó, công tác chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư mỗi năm đều tăng. Trong 3 năm qua, nhiều cơ sở vật chất, công viên, cây xanh, vỉa hè, phương tiện xử lý chất thải… được triển khai, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, được Hiệp hội các đô thị Việt Nam công nhận là thành phố có “đô thị xanh, sạch, đẹp” nằm trong tóp đầu cả nước. Nhiều công trình, dự án chỉnh trang, phát triển đô thị được triển khai, trong đó một số dự án đang thực hiện tốt. Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân, hoạt động xây dựng của thành phố đã phát triển khá nhanh, đảm bảo cơ sở kinh doanh, nhà ở cũng như các công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống nhân dân.

Đà Lạt cũng đã hoàn thành nội dung Đồ án quy hoạch 765ha Khu trung tâm thành phố, Đồ án điều chỉnh các quy định quản lý kiến trúc xây dựng theo quy hoạch đã trình tỉnh thẩm định, phê duyệt. Triển khai 23 đồ án quy hoạch phân khu theo kế hoạch đề ra với quy mô 1.312,4 ha, tỉ lệ đất phi nông nghiệp quy hoạch đã và đang triển khai được 77,5% (3.263,44/4.209,9ha); phối hợp Sở Xây dựng hoàn thành nội dung Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời cũng rà soát, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, hủy bỏ 5 đồ án quy hoạch không khả thi.

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Đức Quận, chia sẻ thêm: Với tinh thần cách mạng quyết chiến, quyết thắng; tính cần cù, sáng tạo cao trong lao động, những năm tới, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để tập trung xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch văn minh – thân thiện, xứng tầm quốc gia và khu vực. Đây cũng là Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ X và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra.

 


Theo Internet


Written : admin


Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô