Qua một mùa lễ hội trà - Những điều đọng lại. Thursday, 08/01/2015, 13:54 GMT+7 Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 5, một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kết thúc Năm Du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt, đã khép lại. Qua một mùa lễ hội đã khẳng định sự nỗ lực của thành phố Bảo Lộc. Tuy nhiên, từ góc nhìn của dư luận xã hội, còn “đọng lại” đôi điều cần được nhìn nhận để bổ sung cho những mùa lễ hội sau.
Sự nỗ lực của TP. Bảo Lộc Trước khi lễ hội diễn ra, ông Lê Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố (TP) Bảo Lộc, Phó Ban Tổ chức Tuần Văn hóa Trà, đã trao đổi với chúng tôi: “Được UBND tỉnh Lâm Đồng giao trách nhiệm phối hợp cùng với các địa phương (Đà Lạt, Bảo Lâm, Di Linh) tổ chức Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 5 (năm 2014), UBND TP Bảo Lộc đã tích cực phối hợp triển khai nhằm đạt được kết quả như mong muốn”. Quả thực, điều ông Lê Trọng Tuấn trao đổi chỉ là vấn đề “tế nhị” mà thôi. Bởi lẽ, khi dõi theo trong suốt quá trình tổ chức Tuần Văn hóa Trà, chúng tôi ghi nhận là gần như các địa phương khác đã đứng ngoài, không vào “cuộc”, chỉ đơn phương TP Bảo Lộc đảm trách tổ chức tất cả các chương trình chính và các chương trình hưởng ứng của Tuần Văn hóa Trà. Cũng như những lần trước, Tuần Văn hóa Trà năm nay được tổ chức theo hình thức “xã hội hóa”. Việc vận động các doanh nghiệp (DN) trà tham gia rất khó khăn, vì phần lớn họ “than phiền” là tổ chức quá “dày” (2 năm, 1 lần), chi phí tốn kém. Tuy nhiên, Ban Tổ chức đã kêu gọi, vận động được 36 DN trà và nhiều cơ quan, đơn vị, DN cùng đồng hành tham gia Tuần Văn hóa Trà. Các DN và đơn vị tham gia đều được giao làm chủ các chương trình để họ chủ động tự lo kinh phí tổ chức. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Ban Tổ chức. Với qui mô, cách tổ chức và các hoạt động đã diễn ra tại Tuần Văn hóa Trà “ Hương sắc trên cao nguyên Lâm Đồng” ( từ 20/12 đến 25/12/2014), nhiều người cho rằng là khá thành công. Trong nội dung các chương trình chính, gồm Hội thảo khoa học “Giải pháp sản xuất trà bền vững - Cơ hội và thách thức”; tham quan vùng nguyên liệu trà (tại Nông trường Trà Tâm Châu và các công ty, doanh nghiệp: Phương Nam, Minh Rồng, Hằng Sơn Điền, Phước Lạc, Ngọc Trang…); Hội thi hái trà “Nụ cười bội thu” (tại Nông trường Trà Tâm Châu); Hội chợ thương mại và triển lãm ngành Trà đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí nhộn nhịp trong những ngày diễn ra lễ hội. Các chương trình hưởng ứng: Liên hoan nghệ thuật quần chúng mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đua xe ô tô địa hình; Hội thi kiến thức ướp trà hương và trà Oolong; Đêm Trà B’Lao; Hội thi cán bộ Hội Nông dân cơ sở giỏi; Hội thi chim chào mào hót; Liên hoan nhảy múa tập thể “Nhịp điệu phố Trà”; Thi vẽ tranh “Nét đẹp quê em”… đã diễn ra theo kế hoạch và đem lại không gian TP Bảo Lộc khá sôi động trong suốt thời gian diễn ra Tuần Văn hóa Trà. Trong các chương trình hưởng ứng, “Đêm Trà B’Lao” (tổ chức tại hồ thượng lưu Đồng Nai) đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân địa phương và du khách. Đây là một “sáng kiến” của CLB Trà B’Lao. Ông Trần Đại Bình, Chủ nhiệm CLB Trà B’Lao, cho biết: “Lần đầu tiên tổ chức được 7 bàn trà, Đêm Trà B’Lao đã thu hút được nhiều người đến thưởng trà. Kỳ vọng trong những mùa lễ hội sau, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm nhiều DN để mở rộng quy mô tổ chức, vì đây là dịp để quảng bá thương hiệu Trà B’Lao.”.
Theo trình tự diễn ra lễ hội, trước hết đề cập đến Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Trà lần thứ 5 diễn ra vào sáng ngày 21/12/2014, tại Nhà thi đấu đa năng TP Bảo Lộc. Một nhà báo thẳng thắn cho rằng, Lễ khai mạc có nhiều… “sạn”! Điều đó cũng có lý, nhưng theo góc nhìn của chúng tôi, thì chủ yếu là do phần “hội”. Điều chúng tôi ghi nhận, ông Nguyễn Vũ Hoàng (Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng) là tác giả đã có “thương hiệu” với rất nhiều kịch bản và đạo diễn, tổng đạo diễn rất nhiều chương trình lễ hội. Nhưng rất tiếc, tại phần “hội” của Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Trà lần này còn để lại đôi chút… “sạn”. Diễn ra theo kịch bản, phần “hội” của Lễ khai mạc có tới 5 “gameshow” vận động trường, được phóng tác từ những động tác hái trà, gùi trà, thồ trà, sấy trà, ướp trà, đóng hộp trà, pha trà... nhằm tôn vinh các làng trà truyền thống B’Lao qua 60 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, một lễ hội long trọng như thế này mà đưa các loại hình “gameshow” vào diễn thì e rằng không thích hợp, có khác gì là vô tình đã… “tra tấn” các quan khách, nhất là các đại biểu, các vị lãnh đạo về dự. Ngoài ra, trong một gameshow, kịch bản còn vô tình để “lộ” thêm một “lỗi” nữa: “Ở các nước, trà búp tươi sau khi thu hái xong, người ta không bao giờ nhét cứng đầy bao rồi chở về nhà máy; mà ngược lại, họ rất nâng niu và giữ từng búp tươi trà, không để dập nát trước khi đưa về nhà máy!” - PGS TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận xét, so sánh khi phát hiện một chi tiết của một gameshow tại Lễ khai mạc. Còn theo chúng tôi, giá như Ban Tổ chức tổ chức Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Trà vào ban đêm, cũng với kịch bản phần “hội” nói trên, thì không đến nỗi phát sinh tình trạng quan khách bỏ ra về hàng loạt khi chưa tan lễ hội. Bởi lẽ, không gian ban ngày hoàn toàn khác với ban đêm! Lẽ ra, theo kế hoạch, sau Lễ khai mạc là chương trình tham quan vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến trà, nhưng do “lỗi” từ phía Ban tổ chức, những người muốn đi tham quan chẳng biết hỏi ai! Vào những ngày hôm sau, việc tổ chức tham quan được “kết nối”, nhưng chủ yếu chỉ dành cho học sinh. Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi tham gia chiếu trà (trên Phố đi bộ) của một anh bạn (chủ của một DN trà nổi tiếng tại TP Bảo Lộc), vì lần này gian hàng (chiếu trà) của anh quá sơ sài. Anh bạn có vẻ không hài lòng, chưa thật “mặn mà” lắm: “Tôi chỉ tham gia lấy lệ, cho có mặt, thế thôi! Còn không, thì…”. Bởi, tâm trạng của anh bạn cũng giống như một số chủ DN khác, họ mong muốn khoảng cách thời gian tổ chức Tuần Văn hóa Trà không quá “dày”, chừng 4 hoặc 5 năm 1 lần thì vừa phải!
Top of Form
Bottom of Form
Theo Internet Written : admin
|
Copyright © 2013 Khách sạn Ngôi Sao Liên Đô |